Sinh Thường Và Sinh Mổ Cái Nào Đau Hơn? Ai Nên Sinh Mổ?

Trong những năm gần đây, xu hướng sinh mổ đang có xu hướng tăng lên. Theo nhiều nghiên cứu, cứ 3 em bé thì có 1 em được sinh mổ. Nhiều chị em cho rằng sinh mổ sẽ an toàn, dễ dàng và ít đau hơn so với sinh tự nhiên. Tuy nhiên, điều này có thực sự đúng? Hãy tiếp tục đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu về “sinh thường và sinh mổ cái nào đau hơn”.

Ưu và nhược điểm của sinh thường

Sinh thường là phương pháp sinh con qua âm đạo của. Đây là phương pháp sinh con phổ biến nhất. Khi sinh thường, tử cung mẹ co bóp để làm mỏng và mở cổ tử cung và đẩy em bé ra ngoài qua âm đạo (hoặc ống sinh).

Thai phụ phục hồi nhanh chóng sau khi sinh thường
Thai phụ phục hồi nhanh chóng sau khi sinh thường

Các bác sĩ khuyến khích các sản phụ sinh thường vì hình thức này thường an toàn nhất cho thai nhi và người sinh. Sinh thường xảy ra nhiều nhất vào giữa tuần 37 và 42 của thai kỳ.

Ưu điểm

– Sau sinh, lần đầu tiên nhìn thấy con, mẹ sẽ có cảm xúc choáng ngợp và cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng.

– Bé được bú mẹ sớm hơn, nên các tuyến sữa cũng hoạt động mạnh mẽ dẫn đến tử cung gò tốt hơn.

– Thời gian phục hồi sau sinh nhanh chóng

– Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

– Bé được nhận vi khuẩn có lợi từ âm đạo mẹ nên hệ thống miễn dịch được phát triển và đường ruột cũng được bảo vệ.

Nhược điểm

– Cả mẹ và em bé sau sinh thường sẽ cảm thấy bị kiệt sức, vì thế cần phải ngủ trong một thời gian dài.

– Nhiều phụ nữ cảm thấy lạnh và run sau khi sinh.

– Chuột rút, đau nhức và khó chịu trong và xung quanh âm đạo là điều rất phổ biến sau khi sinh thường.

– Mẹ sẽ bị mất máu nhưng ít hơn so với sinh mổ.

– Mẹ bị tổn thương âm đạo, tầng sinh môn nên gây đau.

– Có thể làm tình trạng trĩ trở nên nặng hơn

– Tâm lý sau sinh cũng bị ảnh hưởng

– Huyết áp cao quá mức sau sinh có thể dẫn đến nguy cơ bị tiền sản giật

– Em bé có thể bị ảnh hưởng đối với những trường hợp sinh khó.

Ưu và nhược điểm của sinh mổ

Sinh mổ, hay mổ lấy thai, là một thủ tục phẫu thuật trong đó em bé được sinh ra thông qua những vết cắt đáng kể trên bụng và tử cung. Trong quá trình phẫu thuật đưa em bé và nhau thai ra khỏi bụng mẹ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây mê tủy sống cho mẹ. Hoặc, khi sản phụ chuyển dạ bằng phương pháp sinh thường quá khó sẽ được bác sĩ chỉ định chuyển sang sinh mổ, đồng thời sẽ phải tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng để làm giảm đau từ phần bụng đến hai chân.

Sinh mổ được lựa chọn khi sinh thường gây ra một số rủi ro cho mẹ và bé
Sinh mổ được lựa chọn khi sinh thường gây ra một số rủi ro cho mẹ và bé

Thông thường, sinh mổ được thực hiện trong những tình huống mà việc sinh nở tự nhiên được coi là rủi ro đối với người mẹ hoặc em bé. Như vậy, có thể thấy sinh mổ cũng có những ưu điểm và rủi ro riêng.

Ưu điểm

– Sản phụ được gây tê nên không phải chịu những cơn đau khi sinh, và ca đẻ cũng diễn ra nhanh chóng trong khoảng 45 phút.

– Gia đình có thể chủ động về thời gian cũng như tâm lý trước khi sinh.

– Sinh mổ là lựa chọn an toàn cho những trường hợp mẹ hoặc bé có thể gặp rủi ro khi sinh thường.

– Bác sĩ có thể chủ động kiểm soát mọi vấn đề khi phẫu thuật.

– Em bé chào đời sẽ an toàn và ít bị thương.

Nhược điểm

Một số những ca sinh mổ có thể tác động không nhỏ đến sức khỏe thậm chí tính mạng của mẹ và em bé. Có thể kể đến những nguy cơ như sau:

– Sinh mổ khiến sản phụ dễ bị nhiễm trùng tử cung và nhiễm trùng vết thương tại các điểm bị rạch.

– Có thể gây chảy máu nhiều cả trong và sau khi sinh.

– Một số bệnh nhân có phản ứng bất lợi với một số hình thức gây mê.

– Sản phụ có thể có nguy cơ đông máu cao ở các tĩnh mạch quan trọng như ở chân hoặc xương chậu. Đôi khi những cục máu đông này có thể di chuyển đến các bộ phận khác trên cơ thể và có thể đe dọa đến tính mạng.

– Có thể gặp chấn thương trong quá trình làm thủ thuật. Điều này rất hiếm, nhưng đôi khi tổn thương bàng quang hoặc ruột có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Nếu điều này xảy ra, rất có thể bạn sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật khác.

– Sinh mổ làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ trong tương lai hơn so với sinh thường. Khi sinh mổ càng nhiều, thì khả năng nhau thai bám vào thành tử cung càng nhiều. Ngoài ra còn có thể gặp một số biến chứng sau thai kỳ khác: nhau thai tiền đạo, thai bám sẹo cũ, vỡ tử cung, nhau cài răng lược,…

– Tử cung cũng có nhiều nguy cơ bị rách dọc theo đường sẹo. 

– Sau sinh mổ, em bé sẽ phải cách ly với mẹ trong một khoảng thời gian nhất định, nên sẽ không được bú mẹ sớm.

– Bé không được đón nhận những vi khuẩn có lợi như sinh tự nhiên nên dễ bị ảnh hưởng về đường hô hấp, hệ miễn dịch kém hơn.

– Bé có thể gặp chấn thương khi mổ hoặc bị ảnh hưởng bởi những loại thuốc trong khi phẫu thuật.

Sinh thường và sinh mổ cái nào đau hơn?

Có thể thấy, bất cứ phương pháp sinh nào cũng sẽ gây đau cho thai phụ. Với sinh mổ, thai phụ sẽ không phải trải qua cơn đau đẻ vì đã có thuốc tê hỗ trợ, tuy nhiên khi thuốc tê hết công dụng, các vết mổ sẽ khiến mẹ đau nhiều hơn và kéo dài đến vài ngày. Điều này sẽ gây khó khăn cho mẹ khi sinh hoạt và chăm sóc em bé.

Còn với sinh thường, thai phụ sẽ phải chịu đau trong quá trình sinh đến khi em bé được chào đời. Thế nhưng, cơn đau sẽ giảm dần ngay sau đó, và cơ thể cũng được hồi phục nhanh chóng hơn.

Mất bao lâu để phục hồi sau sinh thường?

Thời gian phục hồi sau khi sinh thường khác nhau. Nói chung, quá trình hồi phục sau khi sinh thường nhanh hơn so với khi sinh mổ. 

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục. Mức độ nghiêm trọng của vết rách tại âm đạo sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi. Nếu bị rách, bạn có thể cảm thấy đau trong một đến hai tuần. Đi vệ sinh, ngồi và đứng hoặc thực hiện các công việc hàng ngày có thể gây đau đớn. Cảm giác sưng và ngứa xung quanh vết rách là điều bình thường. 

Khi nào nên lựa chọn sinh mổ?

Sinh thường là phương pháp sinh phổ biến. Tuy nhiên, một số điều kiện làm cho việc sinh thường trở nên nguy hiểm. Bác sĩ có thể đề nghị sinh mổ nếu:

– Em bé đang ở những vị trí đặc biệt như ngôi mông, ngôi ngang.

– Sản phụ bị nhau tiền đạo hoặc có vấn đề với nhau thai.

– Sản phụ bị nhiễm trùng không được điều trị hoặc tổn thương bộ phận sinh dục hở do vi rút herpes simplex.

– Sản phụ có một tình trạng sức khỏe mãn tính như đái tháo đường, gặp các vấn đề về đông máu, tiền sản giật.

– Quá trình chuyển dạ kéo dài đến vài giờ, hoặc bị rối loạn các cơn gò.

– Thai nhi yếu không đáp ứng được quá trình chuyển dạ hoặc to hơn so với xương chậu của mẹ.

– Sản phụ đã từng thực hiện một số các cuộc phẫu thuật tử cung từ trước như mổ u nang buồng trứng, đã từng mổ lấy thai,…

Tạm kết

Sinh con là một sự kiện vô cùng thiêng liêng và làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn. Lựa chọn hình thức sinh con là điều rất quan trọng vì ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Sinh thường có rủi ro thấp nhất và tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên, bạn sẽ được chỉ định sinh mổ nếu gặp một số bất lợi của việc sinh tự nhiên. Mong rằng những thông tin về chủ đề “Sinh thường và sinh mổ cái nào đau hơn” sẽ giúp chị em có thêm kiến thức bổ ích để chuẩn bị cho thiên chức làm mẹ.