Cách Chữa Viêm Loét Miệng Ở Trẻ? Làm Sao Để Phòng Tránh Cho Trẻ?

Viêm loét miệng ở trẻ em là bệnh khá phổ biến, nó khiến trẻ bị đau rát, sưng tấy, khó ngủ, quấy khóc và khó ăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn khiến cho tâm lý nhiều cha mẹ lo lắng cho con. Vậy những tác nhân nào gây nên bệnh? Cách chữa viêm loét miệng ở trẻ ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của chúng tôi nhé.

Đặc điểm của bệnh viêm loét miệng ở trẻ em

Các vết loét miệng là những vết loét nhỏ có kích thước vài milimet hình bầu dục hoặc hình tròn, thường xuất hiện bên trong miệng, trên lưỡi hoặc trên nướu. Nó có thể hình thành theo từng nốt một hoặc thành từng mảng, có màu vàng nhạt hoặc màu xám. 

Viêm loét miệng khiến trẻ đau rát hoặc sốt
Viêm loét miệng khiến trẻ đau rát hoặc sốt

Những vết loét này có thể gây đau đớn, đặc biệt là khi con bạn ăn thức ăn mặn, cay hoặc chua. Đôi khi trẻ thậm chí có thể từ chối thức ăn cho đến khi vết loét bắt đầu lành. Nếu nhiễm trùng gây ra vết loét, trẻ cũng có thể bị sốt.

Viêm loét miệng ở trẻ thông thường có thể tự khỏi trong khoảng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên nếu trẻ có vẫn bị tình trạng này lâu hơn khoảng thời gian này thì nên đưa trẻ đi khám.

Hơn nữa cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu như xuất hiện thêm một vài những triệu chứng nghiêm trọng khác như: đau bụng, sốt không rõ nguyên nhân, sút cân, đi ngoài ra máu, mệt mỏi, hoặc loét quanh hậu môn.

Ngoài ra, loét miệng cũng có thể là một trong những triệu chứng của bệnh chân tay miệng hoặc thủy đậu. Vì vậy, cha mẹ nên để ý những biểu hiện này và nếu kèm theo sốt thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Nguyên nhân gây viêm loét miệng ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét miệng ở trẻ em. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

Do sự tác động cơ học

Một số trẻ hiếu động, chúng nô đùa hoặc chạy nhảy vô tình bị té ngã có thể ảnh hưởng đến lưỡi, miệng. Hoặc cũng có thể có những trẻ tự cắn vào lưỡi và phần mặt ở gò má gây ra những vết tổn thương. Một số loại thức ăn xơ cứng, nếu không cẩn thận, cũng khiến miệng trẻ bị trầy xước.

Trẻ bị tổn thương vì nhiệt

Nhiều trường hợp cha mẹ không để ý kỹ càng về nhiệt độ thức ăn của trẻ, khiến trẻ ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá cay, nên trẻ dễ bị bỏng hoặc rát miệng và dẫn đến tình trạng viêm loét miệng. Mặt khác da của trẻ còn yếu và mỏng nên rất dễ bị tổn thương, vì thế cha mẹ nên lưu ý để tránh những tổn thương vì nhiệt cho con nhé.

Chế độ ăn thiếu chất

Những bữa ăn không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và các loại vitamin thiết yếu cho trẻ cũng có thể là nguyên nhân gây viêm loét miệng. Vì khi được hấp thụ đầy đủ các dưỡng chất cần thiết thì trẻ sẽ được phát triển hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng, điều này có lợi cho việc ngăn chặn sự tấn công của một số loại virus gây bệnh về đường hô hấp. Đồng thời còn bảo vệ trẻ trước những tác nhân gây nên bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng hoặc  thủy đậu.

Do ảnh hưởng của bệnh lý

Như đã nói ở trên, viêm loét miệng cũng là một trong những biểu hiện của một số bệnh lý truyền nhiễm như chân tay miệng, thủy đậu, cúm,…Đây là những bệnh do virus xâm nhập làm tổn thương hệ thống miễn dịch gây nên.

Virus bệnh tay chân miệng hoặc thủy đậu tấn công gây nên các vết viêm loét ở miệng
Virus bệnh tay chân miệng hoặc thủy đậu tấn công gây nên các vết viêm loét ở miệng

Do tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số trẻ mắc bệnh lý cần dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, nên những tác dụng phụ của thuốc cũng có thể gây nên hiện tượng khô miệng sau đó hình thành các vết loét miệng. Đặc biệt đối với những trẻ dễ phản ứng với thuốc kháng sinh, nó có thể khiến trẻ sốt, nhiệt miệng, loét miệng, và đau đớn.

Vệ sinh răng miệng không đúng cách

Trẻ dùng bàn chải có lông quá cứng, khi chà mạnh dễ bị đâm vào nướu gây ra các vết loét. Hoặc trẻ vệ sinh răng miệng chưa đúng cách, còn sót kem đánh răng trong khoang miệng, vệ sinh răng chưa sạch,…tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, qua đó xuất hiện các vết viêm loét.

Do yếu tố khác

Bên cạnh những nguyên nhân trên, còn có một số tác nhân khác gây nên viêm loét miệng ở trẻ như di truyền, thay đổi nội tiết tố, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, bị bệnh tự miễn,…

Hơn nữa tâm lý căng thẳng và lo âu cũng là một nguyên nhân. Nó không chỉ gây nên loét miệng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

Cách chữa viêm loét miệng ở trẻ em

Đối với những trẻ bị viêm loét miệng do virus từ các bệnh lý gây nên, có thể tự khỏi sau 1 tuần. Các bậc phụ huynh nên sử dụng thuốc để giảm các triệu chứng và làm dịu các cơn đau nếu có cho trẻ, tuy nhiên cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị vì có thể khiến bệnh nặng hơn và còn kéo theo nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như tiêu chảy, khó tiêu, mệt mỏi,…

Bên cạnh việc dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ có thể tham khảo một số cách sau để chăm sóc trẻ bị viêm loét miệng tại nhà:

– Sử dụng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn dành cho răng miệng để cho trẻ súc miệng sau khi ăn, khi thức dậy và trước khi đi ngủ.

– Sử dụng loại bàn chải mềm mỏng và phù hợp với độ tuổi của trẻ, nếu vết loét khiến trẻ đau rát khi đánh răng thì có thể dùng nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý để thay thế.

– Bổ sung vào khẩu phần ăn thêm những món ăn với nhiều dưỡng chất và vitamin cho trẻ. Nếu trẻ đau rát hoặc khó nuốt có thể chế biến thành cháo, nước ép, sinh tố, sữa,…

– Không cho trẻ ăn những đồ ăn cay nóng, quá mặn hoặc quá chua.

– Không cho trẻ cho tay lên miệng vì có thể gây nhiễm trùng và lây lan các vết viêm.

– Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm, các vết loét vẫn chưa lành và kéo dài hơn 2 tuần thì cha mẹ nên cho trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Cách phòng ngừa viêm loét miệng ở trẻ em

Mặc dù không phải là bệnh quá nghiêm trọng nhưng viêm loét miệng sẽ khiến trẻ khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Chính vì thế, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh cho trẻ từ những việc làm đơn giản nhất:

– Hình thành cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân đặc biệt là chân tay hàng ngày để hạn chế sự tấn công của vi khuẩn và vi rút.

– Rèn luyện cho trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách và không cho trẻ ngậm tay hoặc đồ chơi.

Rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng để ngăn ngừa vi khuẩn, virus
Rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng để ngăn ngừa vi khuẩn, virus

– Nên thay bàn chải đánh răng cho trẻ 6 tháng một lần, đặc biệt là sau khi trẻ khỏi bệnh viêm loét miệng, thì mẹ cũng nên đổi bàn chải khác để phòng ngừa bệnh xuất hiện trở lại.

– Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và đồ dùng của trẻ thường xuyên với dung dịch sát khuẩn.

– Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với trẻ, hạn chế ôm hôn trẻ khi đang bị viêm loét miệng.

– Cho trẻ tiêm phòng các loại vacxin đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

– Trong trường hợp trẻ bị thủy đậu hoặc tay chân miệng thì cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác để tránh sự lây lan của virus.

– Bổ sung chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng và vitamin cho trẻ như lysine, kẽm, selen, vitamin nhóm B, A, C, E,…

– Nhắc nhở trẻ vui chơi và vận động nhẹ nhàng không quá mạnh bạo để tránh va đập, ngã té làm tổn thương đến các vùng miệng gây viêm loét.

Tạm kết

Có thể thấy việc xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng khoa học là yếu tố vô cùng quan trọng. Điều này tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ, qua đó ngăn ngừa khả năng phát triển của một số bệnh lý đặc biệt là viêm loét miệng, cảm cúm, các bệnh về đường hô hấp,….

Vừa rồi là thông tin về cách chữa viêm loét miệng ở trẻ em. Hy vọng qua bài viết này, các bậc phụ huynh sẽ có thêm thông tin hữu ích để chăm sóc con mình đúng cách và khoa học.